TÁI MỞ HỒ SƠ: GALILÉO


MỘT NGỤ NGÔN VÔ THẦN: TÁI MỞ HỒ SƠ GALILÊ

“Tôi tin rằng vụ án Galilê là một loại bi kịch Hy Lạp, một cuộc tỉ thí giữa đức tin mù quáng và lý trí được khai sáng, một sai lầm ngây thơ.”
Arthur Koestler, The Sleepwalkers

B
ất kể vai trò của Kitô Giáo trong nguồn gốc và sự phát triển của khoa học, đề tài về cuộc chiến giữa khoa học và tôn giáo vẫn dai dẳng. Điều gì đã đem lại sức mạnh để kéo dài câu chuyện này?
Đó là những trường hợp được phúc trình về việc giáo hội ngược đãi các khoa học gia như Copernicus và Galileo.
Các văn sĩ vô thần đề cập đến chủ đề này với sự báo thù. Daniel Dennett chọn riêng Giáo Hội Công Giáo và chê bai “cái di sản đáng tiếc khi ngược đãi chính các khoa học gia của mình.” Bruce Jakosky viết, “Quan điểm của Copernicus không được giáo hội đón nhận; quá trình sự ngược đãi ông ta thì thật nổi tiếng.” Carl Sagan miêu tả Galileo “trong một ngục tù của Công Giáo bị đe dọa bằng sự tra tấn” vì “quan điểm lạc giáo của ông cho rằng trái đất xoay chung quanh mặt trời.” Nhận xét rằng Galileo “không được tha cho tội lạc giáo mãi cho đến năm 1992,” Sam Harris nhắc lại truyền thống Kitô Giáo về “sự tra tấn các học giả cho đến độ điên dại chỉ vì nghiên cứu về bản chất các tinh tú.”

Về câu chuyện khoa học chống với tôn giáo, nó có đặc tính của phim Star Wars. Nó thường được miêu tả như một cuộc chiến giữa thiện và ác: người tốt lành đề ra một phương cách mới về sự hiểu biết dựa trên thử nghiệm và chứng cớ. Các lực lượng tối tăm bị giam hãm trong học thuyết cổ xưa xuất phát từ các sách thiêng liêng, tỉ như niềm tin cũ rích cho rằng trái đất là mặt phẳng. Bất kể sự ngu dốt của mình, các lực lượng tối tăm chiếm đóng các vị thế chính trị. Sợ rằng kiểu cách mê tín cổ lỗ của mình bị đe dọa, các lực lượng tối tăm đàn áp và ngược đãi những người bất đồng quan điểm với sự chính thống. Một cuộc chiến khủng khiếp xảy ra sau đó. Nhiều người tốt lành bị kết án là lạc giáo chỉ vì đề cao các lý thuyết khoa học có giá trị. Giordano Bruno bị thiêu sống vì nói rằng vũ trụ thì vô tận. Copernicus và Galileo bị ngược đãi vì chứng minh rằng trái đất quay chung quanh mặt trời. Thật may mắn, lịch sử buồn thảm này hiện thời đã đi vào quá khứ; các lực lượng ánh sáng đã chế ngự các lực lượng tối tăm. Ngày nay khoa học đang trên đà phát triển và tôn giáo đang thoái hóa. Các khoa học gia bây giờ có thể hoạt động mà không bị cản trở và ngay cả Giáo Hội Công Giáo cũng đã xin lỗi về cách đối xử với Galileo. Luân lý của câu chuyện là chúng ta luôn luôn phải biết ơn về sự phát sinh của khoa học và tỉnh thức coi chừng tính cách cuồng tín của tôn giáo.

Bi kịch rùng rợn này bị mất chất lượng chỉ vì một khuyết điểm duy nhất: nó không đúng sự thật. Sử gia David Lindberg viết, “Không có cuộc chiến giữa khoa học và giáo hội.” Thật vậy, hầu hết các sử gia đều cho rằng câu chuyện khoa học chống với tôn giáo là một thêu dệt trong thế kỷ mười chín. Tên tuổi của những người thêu dệt đều được biết.

Người đầu tiên là John William Draper, người giới thiệu mô hình “cuộc chiến” trong cuốn sách nổi tiếng của ông, “History of the Conflict between Religion and Science” (Lịch sử cuộc xung đột giữa tôn giáo và khoa học) xuất bản năm 1874. Cuốn sách này thì đầy những điều dối trá và trơ trẽn, và ngày nay được coi là tiêu biểu cho thành kiến chống tôn giáo vào cuối thế kỷ 19.

Người thứ hai là Andrew Dickson White, là khoa trưởng đầu tiên của Đại Học Cornell, mà tập khảo cứu của ông năm 1896, “History of the Warfare of Science with Theology in Christendom”, (Lịch sử cuộc chiến khoa học với thần học Kitô giáo) chỉ là một giải thích có tính cách ngụy biện về cuộc chiến ấy, không kém phần lừa dối như của Draper.

Các nguồn tài liệu này hiện giờ không còn đáng tin cậy, nhưng âm hưởng của chúng vẫn còn được sử dụng bởi các văn gia vô thần nổi tiếng. Âm hưởng này hiện thời vẫn còn được ngâm nga trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta, ngay cả bởi những người biết rất ít chi tiết của vấn đề.

Cho đến ngày nay, nhiều người tin rằng giáo hội trung cổ chủ trương rằng trái đất thì bằng phẳng cho đến khi khoa học hiện đại chứng minh là nó hình tròn. Trên thực tế, người Hy Lạp xưa và Kitô Hữu thời trung cổ đều biết rằng trái đất thì tròn. Họ quan sát thấy thân tầu buồm thì biến dạng trước đỉnh cột buồm. Họ cũng thấy rằng khi nguyệt thực, trái đất tạo nên bóng tròn trên mặt trăng. Vũ trụ học của Dante thời trung cổ được dựa trên ý tưởng khối cầu của trái đất. Bởi thế ý nghĩ cho rằng giáo hội tin là trái đất bằng phẳng, đó là một pha chế của những người tuyên truyền chống tôn giáo vào thế kỷ mười chín.

Các tình tiết nổi tiếng khác trong cuộc chiến vĩ đại này cũng đòi hỏi phải thận trọng duyệt xét lại.

Bạn có nhớ cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Samuel Wilberforce, giám mục của Oxford , và đồng minh của Darwin là Thomas Henry Huxley không, trong đó vị giám mục chế nhạo Huxley và Huxley phản pháo với một bác bỏ có tính cách hạ nhục? “Cuộc trao đổi này mau chóng trở nên huyền thoại,” Edward Larson nhận xét như thế trong cuốn sách của ông, Evolution. Như Larson và nhiều người khác kể lại câu chuyện này, Wilberforce đã hỏi Huxley rằng ông xuất xừ từ con khỉ là về phía ông tổ hay bà tổ. Huxley đã nghiêm nghị trả lời rằng thà ông ta có bà con với một con khỉ đáng thương hơn là bà con với một giám mục là người đã dùng thẩm quyền của chức vụ để chế nhạo cuộc tranh luận khoa học về một vấn đề nghiêm trọng.

Câu chuyện này được lan tràn rộng rãi đến độ các sử gia đã phải kiểm chứng lại trong biên bản của tổ chức British Association và họ ngạc nhiên khám phá thấy rằng điều đó không bao giờ xảy ra. Bạn của Darwin là Joseph Hooker cũng có mặt trong cuộc tranh luận, và ông báo cáo cho Darwin biết là Huxley không trả lời cho lý luận của Wilberforce. Việc Larson sử dụng chữ “huyền thoại” thì thật đúng với nghĩa đen trong khung cảnh này.

Với hầu hết dân chúng, không tình tiết nào miêu tả sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo một cách bi thảm cho bằng vụ án Galileo. Vào cuối thập niên 1930, Bertolt Brecht viết một kịch bản xuất sắc, Life of Galileo, và được dựng thành phim vào năm 1975 bởi đạo diễn Hoa Kỳ Joseph Losey. Bản kịch của Bretcht là câu chuyện về ác tâm của giáo sĩ và ưu điểm của khoa học. Nó là bản phong thánh cho Galileo thành một vị thánh thế tục. Và đây là vị thế mà Galileo chiếm ngự trong văn hóa chúng ta ngày nay, một vị tử đạo vì chính nghĩa khoa học.

Khi các văn gia vô thần nói về “lịch sử” bách hại các khoa học gia của giáo hội, họ thường trưng ra vụ án Galileo.

Copernicus không bao giờ bị giáo hội ngược đãi. Giordano Bruno, người độc lập tư tưởng, bị thiêu sống, nhưng như sử gia Thomas Kuhn vạch rõ, “Bruno không bị hành quyết vì học thuyết Copernicus nhưng vì một chuỗi lầm lạc thần học về Thiên Chúa ba ngôi.” Sự hành quyết Bruno quả thật là sự bất công khủng khiếp, nhưng nó không liên can gì đến sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo.

Trước thế kỷ thứ mười hai và sự thanh trừng của Stalin và Hitler, chỉ có một khoa học gia nổi tiếng bị hành quyết bởi sắc lệnh của chính phủ. Đó là hóa học gia vĩ đại Antoine Lavoisier, một người Công Giáo chân thành bị Jacobins chém đầu trong thời Cách Mạng Pháp.

Chúng ta nên trở lại với Galileo. Trong chương này tôi muốn nhờ vào sự nghiên cứu lịch sử để mở lại vụ án Galileo. Nếu luận điệu của người vô thần về vụ án này không thể đứng vững trước sự khảo xét của tôi, thì toàn thể tính chất quá đáng của xung đột giữa khoa học với tôn giáo sẽ bị tiêu tan như một trò hề.

Trước thế kỷ thứ mười sáu, hầu hết người có học thức chấp nhận các lý thuyết của nhà thiên văn Ptolemy người Hy Lạp, ông chủ trương rằng trái đất thì cố định và mặt trời quay chung quanh trái đất. Ý tưởng trái đất là tâm của vũ trụ là một ý niệm cổ xưa, không chỉ của Kitô Giáo. Người tín hữu Kitô chấp nhận ý niệm này, dù không có trong Kinh Thánh. Kinh Thánh không bao giờ nói rằng mặt trời xoay chung quanh trái đất. Kinh Thánh im lặng về vấn đề khoa học. Có một vài đoạn đề cập đến việc mặt trời mọc và lặn, nhưng có thể hiểu là một đoạn văn thiêng liêng dùng đến ngôn ngữ dễ hiểu của con người. (Ngay cả các chuyên gia khí tượng, họ biết rõ là trái đất xoay chung quanh mặt trời, nhưng vẫn dùng thuật ngữ thông thường: “Ngày mai mặt trời sẽ mọc vào lúc 5g sáng”). Lý do người tín hữu Kitô chấp nhận Ptolemy là vì lý thuyết phức tạp của ông được hỗ trợ bởi trực giác và đem lại những tiên đoán chính xác hợp lý về sự vận chuyển của các thiên thể.

Thật thú vị là có một nhà tư tưởng Hy Lạp, Aristarchus ở Samos , đã đề ra thuyết tâm mặt trời mãi từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Sử gia David Lindberg viết, “Aristarchus được tán dương vì ông đoán trước Copernicus.” Nhưng có phải Aristarchus và các môn đệ của ông là khoa học gia không? Để tránh sự sai lầm có tính cách phản hồi khi dùng kiến thức hiện đại để đánh giá các xác nhận về khoa học trong quá khứ, chúng ta phải xem xét các dữ kiện vào thời bấy giờ. Như Lindberg có viết, “Vấn đề không phải là chúng ta có những lý do đáng tin cậy về thuyết tâm mặt trời, nhưng là họ có các lý do nào như thế không, và câu trả lời là họ không có.”

Dữ kiện có cho đến ngày Galileo bênh vực Ptolemy. Kuhn nhận xét rằng trong suốt thời Trung Cổ có những người đưa ra thuyết tâm mặt trời. “Họ bị nhạo cười và lãng quên”, Kuhn viết thêm, “các lý do tẩy chay thật xuất sắc.” Hãy xem một vài thí dụ ông viết. Trái đất dường như không di chuyển, và tất cả chúng ta có thể thấy mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào buổi chiều. Nếu trái đất quay chung quanh mặt trời với tốc độ cao, chim chóc và mây và những vật nào không bám vào đất sẽ rơi lại đằng sau. Một hòn đá ném lên trời sẽ rơi xuống đất cách đó nhiều dặm, vì khi trái đất di chuyển được một khoảng cách đáng kể thì vật ấy vẫn còn ở trên không. Người ta đứng trên mặt đất sẽ bị té ngã. Vì không thấy có điều nào kể trên xảy ra, trái đất được coi là cố định.

Galileo là một nhà thiên văn người Florentine được Giáo Hội Công Giáo rất tôn trọng. Ông từng là một người hỗ trợ thuyết tâm địa cầu của Ptolemy. Galileo ngày càng tin rằng Copernicus thì đúng, trái đất thực sự quay chung quanh mặt trời. Copernicus đưa ra lý thuyết của ông vào năm 1543 trong một cuốn sách được tặng cho đức giáo hoàng. Copernicus thú nhận rằng ông không có chứng cớ vật lý, nhưng ưu điểm của thuyết tâm mặt trời là nó đưa đến nhiều tiên đoán tốt hơn về các qũy đạo của hành tinh. Ý tưởng mới của Copernicus đã gây nên nhiều cuộc tranh luận trong cộng đồng tôn giáo và khoa học, mà lúc bấy giờ không rõ biên giới.

Nửa thế kỷ sau, khi Galileo đi vào vấn đề, quan điểm chiếm ưu thế là Copernicus đã đưa ra một giả thuyết rất thú vị nhưng chưa được chứng minh, rất hữu ích để tính toán sự vận chuyển của các thiên thể nhưng không đủ sức thuyết phục để loại bỏ toàn thể thuyết tâm địa cầu.

Sự đóng góp của Galileo cho giả thuyết Copernicus thì quan trọng nhưng không dứt khoát. Đây là điểm quan trọng cần nhớ, bởi vì huyền thoại được thêu dệt chung quanh Galileo hầu như dựa trên các biến cố không bao giờ xảy ra.

Kuhn kể câu chuyện mà tất cả chúng ta đều biết khi còn đi học về việc Galileo leo lên đỉnh tháp nghiêng Pisa rồi thả các vật nặng và nhẹ xuống đất. Ông cho rằng, trái với sự hiểu biết bằng trực giác, các vật này chạm mặt đất cùng một lúc. Câu chuyện kể tiếp, một thí nghiệm đơn giản đã đánh đổ một giả thuyết có từ hàng ngàn năm thời trung cổ.

Trên thực tế, Galileo không làm thí nghiệm này ở Pisa hay bất cứ đâu; thí nghiệm này được thi hành bởi một trong các môn sinh của ông. Hơn thế nữa, thực sự vật nặng hơn rơi xuống đất trước. Ngày nay chúng ta hiểu tại sao có trường hợp như vậy. Chỉ khi nào được thí nghiệm trong một môi trường thiếu sức cản không khí thì mọi vật thể đều rơi xuống với cùng một tốc độ.
Kuhn viết, “Trong thế giới hàng ngày, vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ… Quy luật của Galileo thì hữu ích hơn cho khoa học… không vì nó xuất sắc tiêu biểu cho sự thí nghiệm, nhưng vì nó vượt trên sự thiển cận thông thường mà giác quan không thấy để đi đến một khía cạnh chủ yếu hơn, nhưng được ẩn giấu, của sự chuyển động. Để minh chứng quy luật mà Galileo nhận xét cần phải có dụng cụ đặc biệt. Chính Galileo có được quy luật này không bởi sự quan sát… nhưng bởi một chuỗi lý luận hợp lý.”

Nhờ sáng chế một viễn vọng kính mạnh hơn những người khác vào thời ấy, Galileo có những quan sát quan trọng về các mặt trăng của Jupiter, chu kỳ của Venus, và các đốm đen trên mặt trời mà chúng làm suy yếu thuyết Ptolemy và phù hợp với giả thuyết của Copernicus.

Galileo đem những quan sát này trình bầy với các linh mục dòng Tên, họ là những nhà thiên văn nổi tiếng thời bấy giờ, và họ đồng ý với ông là các quan sát của ông đã giúp củng cố thuyết tâm mặt trời. Các cha dòng Tên nói với Galileo rằng giáo hội đang chia rẽ, nhiều giáo sĩ ủng hộ Ptolemy trong khi nhiều người khác cho rằng Copernicus thì đúng. Ngay cả vậy, các cha dòng Tên kết luận rằng vấn đề còn bỏ ngỏ và họ không nghĩ rằng Galileo giải quyết được vấn đề. Tyco Brahe, nhà thiên văn vĩ đại nhất của thời ấy, đồng ý rằng các chứng cớ của Galileo chưa đủ và ông tiếp tục hỗ trợ thuyết tâm địa cầu. Danh tiếng của Brahe thật vĩ đại đến độ nhiều nhà thiên văn không dám quay sang thuyết Copernicus cho đến khi ông từ trần.

Có thể nhiều độc giả ngạc nhiên khi biết rằng đức giáo hoàng là một trong những người ngưỡng mộ Galileo và hỗ trợ các cuộc nghiên cứu khoa học đến độ bảo trợ tổ chức trong các đại học và đài thiên văn.

Trưởng Toà Thẩm Tra cũng vậy, vị thần học gia uyên bác là Đức Hồng Y Robert Bellarmine. Khi bài nói chuyện của Galileo để hỗ trợ cho thuyết tâm mặt trời được phúc trình lên Tòa Thẩm Tra, dường như bởi các học giả thù nghịch với Galileo ở Florence, ĐHY Bellarmine đã đến gặp Galileo.
Đây không phải là một thủ tục thông thường của Tòa Thẩm Tra, nhưng Galileo là một người nổi tiếng. Năm 1616 ông đến Rôma với sự đón tiếp nồng nhiệt, ở đây ông cư ngụ trong đại biệt thự Medici, được gặp đức giáo hoàng hơn một lần, và tham dự các buổi tiếp tân do một vài giám mục và hồng y tổ chức.

Điều nhận xét của Bellarmine có liên hệ đến Galileo thì thật đáng nhớ và đáng kể lại. Bellarmine viết, “Trong khi cảm nghiệm nói với chúng ta rõ ràng rằng trái đất thì bất động, nếu có một chứng minh đích thật cho rằng mặt trời là tâm điểm của vũ trụ… và mặt trời không quay xung quanh trái đất nhưng trái đất xoay chung quanh mặt trời, thì chúng ta phải xúc tiến với sự thận trọng để giải thích các đoạn kinh thánh mà dường như dậy bảo ngược lại, và tốt hơn nên thú nhận là chúng ta không hiểu các đoạn ấy hơn là công bố một ý niệm sai lầm đã được minh chứng là đúng. Nhưng đây không phải là điều nên thi hành vội vã, và đối với tôi, tôi sẽ không tin có những chứng minh như vậy cho đến khi được trình bầy cho tôi.”

Đây là kiểu mẫu của một thủ tục khôn ngoan. Bellarmine cho rằng không thể có mâu thuẫn thực sự giữa thiên nhiên và kinh thánh, đó là điều Kitô giáo luôn dậy bảo. Do vậy, ngài lý luận, nếu chúng ta thường đọc kinh thánh theo một chiều và chứng cớ thiên nhiên cho thấy chúng ta sai, thì chúng ta cần xem lại cách dẫn giải kinh thánh và thú nhận sự sai lầm của chúng ta. Nhưng trước hết phải biết chắc có chứng cớ khoa học thực sự trước khi khởi sự thay đổi cách giải thích kinh thánh là điều chúng ta được dậy bảo từ bao lâu nay. Bellarmine đưa ra một giải pháp. Dựa vào chứng cớ không có sức thuyết phục về lý thuyết này và sự tế nhị của vấn đề tôn giáo, Galileo đừng nên giảng dậy hay cổ vũ thuyết tâm mặt trời. Galileo, một người Công Giáo tốt lành muốn trung thành với giáo hội, đã đồng ý. Bellarmine đưa một huấn thị và lập biên bản của thủ tục và đã được lưu trong hồ sơ của giáo hội.

Trong một vài năm, Galileo giữ lời và tiếp tục quan sát và thảo luận mà không công khai cổ vũ thuyết tâm mặt trời. Sau đó ông nhận được tin vui là ĐHY Maffeo Barberini được chọn làm Đức Giáo Hoàng Urban VIII. Barberini là một khoa học gia “cấp tiến,” từng tranh đấu để công trình của Copernicus không bị đưa vào thư mục những cuốn sách bị cấm. Cũng đáng kể không kém, Barberini là một người hâm mộ Galileo, và ngay cả làm thơ để tán dương ông. Galileo tin tưởng rằng bây giờ ông có thể công khai giảng dậy về thuyết tâm mặt trời.

Nhưng vị thế mới của đức giáo hoàng về vấn đề này thì thật phức tạp. Đức Urban VIII chủ trương rằng trong khi khoa học có thể hữu ích trong việc đo lường và tiên đoán về vũ trụ, nó không thể cho rằng có hiểu biết thực sự về thực thể mà chỉ có Thiên Chúa mới biết. Giả thuyết này, nghe có vẻ lạ lùng, thì thực sự rất gần với điều mà bây giờ một số nhà vật lý tin tưởng, và như chúng ta sẽ thấy, nó hoàn toàn phù hợp với minh chứng triết học của Kant về những giới hạn của lý lẽ.
Do đó khi Galileo cho xuất bản cuốn Dialogue Concerning the Two Chief World Systems (Đối Thoại về Hai Hệ Thống Chính của Vũ Trụ) năm 1632, giáo hội rơi vào tình thế khó xử.

Trước hết, Galileo cho rằng đã minh chứng được sự thật về thuyết tâm mặt trời, nhưng thật ra minh chứng của ông thì sai lầm. Một trong những lý lẽ chính của Galileo là cho rằng sự chuyển dịch mau lẹ của trái đất chung quanh mặt trời tạo nên thủy triều. Đây là vấn đề của thời bấy giờ, và giờ đây chúng ta biết rằng mặt trăng là yếu tố chính gây nên thủy triều. Galileo cũng cho rằng, giống như Copernicus, các hành tinh chuyển dịch theo đường tròn, dù rằng vào thời Galileo, Kepler đã từng chứng minh là qũy đạo hình bầu dục. Galileo dám chắc rằng Kepler sai.

Thứ hai, Galileo đã làm đức giáo hoàng bối rối khi dựng cuộc “đối thoại” của ông với hai khuôn mặt, một đại diện cho chính ông và một đại diện cho đức giáo hoàng. Để sự tương phản càng nổi bật, Galileo đặt tên cho đức giáo hoàng là Simplicio, tiếng Ý có nghĩa “Người Khờ”. Căn bản, cuộc đối thoại bao gồm những luận điệu ngu xuẩn của Simplicio bị bác bỏ một cách tao nhã bởi nhân vật tượng trưng cho Galileo. Đức giáo hoàng không lấy làm vui.

Sai lầm thứ ba của Galileo là văn bản của ông không chỉ nằm trong các vấn đề khoa học; ông còn đưa ra giả thuyết của chính ông về cách dẫn giải Kinh Thánh. Galileo lý luận rằng Kinh Thánh phần lớn có tính cách ẩn dụ và đòi hỏi phải giải thích lại để đào xới ý nghĩa thực sự của nó. Các cha dòng Tên đã cảnh cáo ông đừng đi vào lãnh vực này. Họ nói với Galileo, Kinh Thánh là lãnh vực của giáo hội. Với những ngạo mạn và thiếu khôn ngoan thường thấy nơi các đại khoa học gia, Galileo đã bỏ qua lời khuyên này. Do đó khi ông bị phúc trình một lần nữa lên Tòa Thẩm Tra, các đối thủ của ông đã có thể chê trách ông không vì lý do khoa học nhưng còn vì lý do là ông ngấm ngầm phá hoại sự giảng dậy tôn giáo của giáo hội.

Sau cùng, đây là thời kỳ Cải Cách. Các nhà tư tưởng Tin Lành đang tấn công giáo hội Công Giáo với lý do không coi trọng Kinh Thánh. Đức Urban VIII hăng hái minh chứng Vatican trung thành với Kinh Thánh, và thuyết tâm địa cầu là một dẫn giải được đồng ý trong lập trường chính thức của người Công Giáo và Tin Lành. Nếu sự Cải Cách xảy ra một thế kỷ trước hay sau, Richard Blackwell viết, “sự kiện Galileo có lẽ đã không xảy ra.” Tuy nhiên, dưới những tình huống hiện hành, đức giáo hoàng đồng ý cho tiến hành vụ Galileo.

Năm 1633, Galileo trở lại Rôma, là nơi ông được đối xử một cách tôn trọng. Ông đã có thể thắng được vụ án này, nhưng trong cuộc điều tra, vài người tìm thấy những lá thư ngắn của ĐHY Bellarmine trong hồ sơ. Galileo đã không cho Tòa Thẩm Tra biết–thực sự ông không cho ai biết–về sự đồng ý trước đây là không giảng dậy hay cổ vũ cho thuyết Copernicus. Giờ đây, Galileo được coi như lừa dối giáo hội cũng như không sống đúng với điều ông đồng ý. Ngay cả những người trong giáo hội có thiện cảm với ông cũng thấy khó để bênh vực cho ông vào thời điểm này. Nhưng họ khuyên ông hãy thú nhận là ông đã cổ vũ cho thuyết Copernicus trái với thỏa ước giữa ông với Bellarmine, và ông hãy chứng tỏ sự ăn năn hối lỗi.

Thật ngạc nhiên, Galileo xuất hiện trước Tòa Thẩm Tra và quả quyết rằng cuốn Dialogue của ông không bào chữa cho thuyết tâm mặt trời. “Trong sách ấy tôi không duy trì và cũng không bào chữa quan điểm rằng trái đất di chuyển và mặt trời phải đứng yên nhưng đúng hơn chứng tỏ điều trái ngược với quan điểm của Copernicus và cho thấy rằng các lý luận của Copernicus thì không chắc chắn và không có sức thuyết phục.”

Điều thường được lập đi lập lại nhiều lần là Galileo thì thào nói trong hơi thở rằng, “Tuy vậy nó di chuyển.” Nhưng nhận xét này thuần túy thêu dệt.

Thật vậy, không có phúc trình nào cho thấy Galileo đã nói như thế. Ở đây người ta phải thấy thương hại cho các nguyên cớ của Galileo. Có lẽ ông đưa ra nhận định từ chối thuyết tâm mặt trời vì mệt mỏi và chán nản. Ngay cả vậy, các viên chức Tòa Thẩm Tra cũng có thể được bào chữa khi họ coi quan điểm của Galileo ở lúc này là một người nói dối trắng trợn. Sự bào chữa của Galileo, Arthur Koestler viết, thì quá “thiếu thành thật hiển nhiên đến độ vụ kiện của ông sẽ bị thua trong bất cứ tòa nào.” Tòa Thẩm Tra kết luận rằng Galileo chủ trương quan điểm tâm mặt trời, và đòi hỏi ông phải công khai rút ý kiến ấy. Galileo đã thi hành như vậy, vào thời điểm ông bị giam tại gia.

Trái với sự tuyên truyền của một số nhà vô thần, Galileo không bao giờ bị kết tội lạc giáo, và không bao giờ bị giam trong ngục tối hay bị tra tấn bằng bất cứ cách nào.

Sau khi công khai rút ý kiến, ông được đặt dưới sự giám hộ của đức tổng giám mục của Siena, là người cho ông cư ngụ trong biệt thự lộng lẫy trong năm tháng. Sau đó ông được phép trở về biệt thự của ông ở Florence . Trên lý thuyết ông bị giam tại gia, nhưng thực tế ông có thể đi thăm con gái ở tu viện San Matteo. Giáo hội cũng cho phép ông tiếp tục nghiên cứu khoa học về các vấn đề không liên can đến thuyết tâm mặt trời, và ông đã cho công bố kết quả nghiên cứu quan trọng trong thời gian này.

Galileo chết một cách tự nhiên vào năm 1642. Kuhn cho biết, chính trong các thập niên sau đó, xuất hiện các bằng chứng mới hơn và mạnh mẽ hơn về giả thuyết tâm mặt trời, và quan điểm khoa học này, bị chia đôi trong thời Galileo, trở nên quan điểm của đa số mà chúng ta chia sẻ ngày nay.

Chúng ta có thể kết luận gì về vụ Galileo? “Hình ảnh quen thuộc về Galileo như một vị tử đạo vì sự tự do tư tưởng và một nạn nhân của sự đàn áp khoa học của giáo hội,” sử gia Gary Ferngren viết, “được chứng tỏ không hơn gì một sự biếm họa.” Vụ kiện này là một “bất thường”, sử gia Thomas Lessl viết, “một gián đoạn tạm thời trong sự tương giao hài hòa” hiện có giữa Kitô Giáo và khoa học. Thật vậy, trong lịch sử giáo hội Công Giáo không có một thí dụ nào khác về việc lên án một giả thuyết khoa học.

Galileo là một khoa học gia vĩ đại nhưng thiếu khôn ngoan. Ông rất đúng về thuyết tâm mặt trời, nhưng vài lý lẽ và minh chứng của ông thì sai. Cuộc tranh luận về ý tưởng của ông thì không chỉ giới hạn giữa tôn giáo và khoa học, nhưng còn giữa khoa học mới và khoa học của thế hệ trước.

Các khuôn mặt lãnh đạo của giáo hội thì thận trọng hơn khi tiếp cận với các vấn đề khoa học, mà chúng thực sự chưa ổn định vào thời ấy, hơn là đối với Galileo. Giáo hội không nên đưa ông ra tòa, nhưng phiên xử của ông được tiến hành với sự dè dặt đáng kể và cách cư xử thật kiểu mẫu. Chính Galileo hành động tệ hại, mà nó đã góp phần cho số phận của ông. Ngay cả vậy, số phận của ông cũng không quá thậm tệ.

Alfred North Whitehead, một sử gia nổi tiếng về khoa học, kết luận rằng “điều tệ hại nhất xảy ra cho khoa học gia là Galileo chịu giam cầm cách vinh dự và sự quở trách nhẹ nhàng, trước khi chết một cách êm ái trên giường.”

Trích Chương 10 của “ĐIỀU VĨ ĐẠI CỦA KITÔ GIÁO” _ Nguyên tác: “What’s So Great About Christianity”
Tác giả: Dinesh D’Souza.
Dịch giả: Pt Giuse Trần Văn Nhật.

Bình luận về bài viết này